Học trò của Tế Công

Chuyện kể rằng: có một bài nửa từ,nửa kệ cho dân làng võ rằng:

 “Lực Bất Đả Quyền

Quyền Bất Đả Công

Luyện Quyền Bất Luyện Công

Đáo Lão Nhất Trường Không”

Nôm na hiểu,người có sức khỏe không đánh được người có võ, người có võ không đánh được người có công phu, luyện võ không luyện công phu, đến già coi như không biết gì.Môn Vĩnh Xuân là môn võ mà ngay từ bài đầu tiên đã luyện công phu, càng lâu thì công phu càng cao nhưng không mang ra biểu diễn được.  Vậy nên ai định học võ để đá cao, đấm vỡ ngói, nhảy cao, lăn nhanh, hét to và nở nang cơ bắp thì đừng nên tập môn Vĩnh Xuân.  Môn võ này vốn dành cho phái nữ, trông thì mềm dẻo nhưng cương nhu gồm đủ, cao thủ đương thời lại toàn nam giới. Ai thích môn Vĩnh Xuân nhất thiết phải biết đến Tôn Sư Tế Công, người mang Vĩnh Xuân vào Việt Nam và là một cây đại thụ của làng võ thế giới.

 Ông Tế Công bao nhiêu tuổi?

 Sang Việt Nam vào năm 1907, lúc đó ông Tế Công trạc 30 tuổi, nghĩa là ông phải sinh khoảng năm 1877.  Năm 1947, ông Tế Công 70 tuổi mới có con trai một tuổi nên đầu năm 1952 chụp ảnh chung với học trò, anh con trai ông còn bé tí.  Năm 1959 ông Tế Công bước sang tuổi 83 và sau đó mất ở Viện Đồng Khánh, Sài Gòn.

Tại sao Tế Công sang Việt Nam

Nghe nói ông vốn họ Hồ, sau khi xuất sư làm bảo tiêu kiếm sống. Từ Quảng Đông đến Vân Nam là con đường khắc nghiệt, đem theo một cặp Bát Trảm Đao và cây côn ông đã hạ thủ quá nhiều địch nhân, nên ông lánh sang Việt Nam tránh truy sát.  Vốn có nghề thuốc, ông ở tạm một nhà người Hoa ở Hàng Buồm và mở phòng mạch, bốc thuốc, chủ yếu chữa bong gân, gãy xương.  Lúc đầu ông chỉ dạy võ cho người Hoa, rồi mãi đến hai ba mươi năm sau mới dạy cho người Việt.

Tế Công đánh tây đen

Ông cả ngày chẳng nói câu nào, đi, đứng, ngồi cứ nhắm mắt như ngủ.  Ông thường mặc quần áo thụng, đội mũ vải sụp che cả mắt, hai tay lồng vào nhau, cứ lầm lũi đi trên hè phố Hàng Đào.  Có một anh tây đen trông lạ mắt cứ đi theo xem, rồi không nhịn được, anh tây đen vượt lên thò tay giật mũ trên đầu ông Tế Công, chỉ thấy ông chúi một tí anh tây đen chụp hụt, làm mấy lần liền đều hụt làm anh ta cáu tiết nên chặn hẳn lại vồ cả hai tay, bỗng một cùi chỏ bay ra làm anh ta té nhào còn ông Cống vẫn áo thụng chùm mũ lùi lũi đi trên hè phố.

 Tế Công so tay với Chung sư phụ

Chung sư phụ là một võ sư Hồng Gia chân truyền, những năm 1930, 1940, ông rất nổi tiếng trong giới Hoa Kiều ở Hà Nội.  Một lần Chung sư phụ gặp ông Tế Công ở Hàng Giầy, hai sư phụ đùa nhau thế nào mà cuối cùng là thi co tay.  Ông Tế Công mắt lúc nhắm lúc mở, trông hơi cười cười, Chung sư phụ lên gân, vận lực hét hây hây.  Tế Công cứ co lên co xuống trông rất bình thản, đoạn nói : “ Hây a, hòa lớ, không thắng được a.”

Tế Công cho Lý Văn Quảng đấm

Bốc xơ, Lý Văn Quảng dạy cho đám Sinh, Xuân ở khách sạn Đồng Lợi, một bữa nghe học trò khoe có ông Tế Công cho người khác đấm vào người thoải mái mà không làm sao.  Lý Văn Quảng không tin, bảo : “Vớ vẩn, cho quả móc thì ruột lộn lên phổi.” Một học trò dẫn đến, thấy ông Tế Công nhắm mắt nói cứ đấm, Lý Văn Quảng đấm một hồi mệt cả người rồi bị một đòn cầm nã kéo lại, rồi bị phất một cái ngã lăn.

Những ai là học trò của Tế Công?

Ông Cống dạy võ ở Hà Nội đến 47 năm, trước sau có khối học trò, thế nhưng bảo ai là đệ tử chân truyền thì ai cũng giơ tay cả, chẳng làm sao phân biệt được ai là nội đồ và ai là ngoại đồ nữa.  Chuyện kể ông Việt Hương so kiếm với viên sĩ quan Nhật bị phát hiện ra là dùng kiếm của Tế Công nên phải chuyển chỗ ở.  Chuyện ông Cẩm mở hàng ở phố Hàm Long, cũng theo học Tế Công, đòi học nội công nhưng ông Tài Cống không dạy, chỉ cho tập mộc nhân suốt ngày.  Mấy anh tây đi tập bốc xơ về nhìn thấy cứ lôi ông Cẩm ra chọc, bất đồ ông chặn đỡ hất tay ngã ráo cả.  Hồi dạy ở nhà bác Tiển ở Gia Ngư có các ông Quảngm Phòng, Liễn.  Trong tấm ảnh chụp năm 1952 có các ông Nghi, Lâm, Phùng, Tiển… Người hay ra biểu diễn cùng ông Tế Công là Lồ Xô Bùi, tức La Tú Mai con ông La Bá Cống.

Hiện nay chỉ có 4 chi phái Vĩnh Xuân đang hoạt động (ở ngoài bắc), đó là chi phái của bác Trần Thúc Tiển, chi phái của bác Phùng, chi phái của bác Ngô Sĩ Quí, và chi phái của bác Vũ Bá Quí đã đổi thành Vũ Gia Thân Pháp. (Ngoài ra còn một số chi phái Vĩnh Xuân ở trong nam)

(Cụ Tế Công khi vào nam cũng thu nhận thêm một số đệ tủ, trong số đó có ông Lục Viễn Khải, Đỗ Bá Vinh, và Hồ Hải Long)

Nguồn: Trích Ngôi Sao Võ Thuật